Thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Ngày 12/4, Thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15/4-15/5/2023, với chủ đề "Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức phát động hưởng ứng Thánh hành động.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 134 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả, duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về Hà Nội.

Đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác an toàn thực phẩm giữa 3 Sở: Y tế, NN&PTNT và Công thương, phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất trong quản lý an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể công nghiệp.

Các ngành, các cấp phối hợp kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong năm 2022, các đoàn thanh kiểm tra an toàn thực phẩm đã thực hiện thanh kiểm tra 61.507 lượt cơ sở, đạt 49.866 lượt cơ sở (81,1%), phát hiện 11.641 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền 1.419 cơ sở với số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Các ngành: Y tế, nông nghiệp, công thương là những ngành chủ lực, chủ động phối hợp với các ngành liên quan và UBND các cấp tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm. Đồng thời, căn cứ kết quả của Tháng hành động để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Tổ chức diễu hành, tuyên truyền Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngay sau lễ phát động, các lực lượng đã phối hợp tổ chức diễu hành, cổ động, tuyên truyền thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên các trục đường chính của huyện Thanh Trì để lan tỏa thông điệp sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm chất lượng, an toàn cũng vì sức khỏe cộng đồng.

Trước đó, ngày 11/4, huyện Chương Mỹ cũng tổ chức phát động hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023".   

Nguồn: (Chinhphu.vn)  

Ngày đăng: 14/04/2023

Tin liên quan